Du khách tới du lịch Hạ Long luôn mong muốn được tìm hiểu khám phá những nét độc đáo của thiên nhiên, nét văn hóa truyền thống đẹp đẽ khác lạ của người dân chài sống lênh đênh trên vịnh. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân chài nơi đây thật phong phú và khác biệt từ những phong tục thờ cúng ngày thường, cho tới những phong tục lễ tết, cưới hỏi, ma chay. Càng tìm hiểu sâu về những nét văn hóa độc đáo ấy, du khách đến du lịch Hạ Long càng thấy thêm nhiều điều thú vị chứa đựng trong lòng vùng vịnh di sản này.
Đường bờ biển của nước ta có chiều dài khoảng 3260 km, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống sinh nhai của rất nhiều người dân chài bám biển. Cùng sống bằng nghề đánh bắt hải sản nhưng hầu hết ngư dân dọc bờ biển nước ta đều có nhà cửa, làng xóm trên bờ, người ra khơi toàn là đàn ông cường tráng, nhất là với biển miền Trung mênh mông sóng dữ. Dân chài Hạ Long thì khác hẳn: mỗi con thuyền là một nhà, một gia đình. Làm nghề, ăn ngủ, sinh đẻ ốm đau cũng đều diễn ra chỉ trên chiếc thuyền ấy. Chồng mũi vợ lái, trong khoang lít nhít bầy con dăm bảy đứa trứng gà trứng vịt. Họ sống thanh thản, bình yên bởi quanh năm quẩn quanh trong làng, trong vịnh giữa sự che chắn của hàng nghìn đảo đá với vô vạn tùng, vụng, hang, hườm sóng yên bể lặng...
Dân chài Hạ Long đã đời nối đời từ thời sơ kỳ đồ đá mới. Các di chỉ văn hóa Hạ Long trên dưới hai vạn năm, rồi văn hóa Soi Nhụ và cuối cùng là văn hóa tiền sử Hạ Long cách nay dăm nghìn năm là những bằng chứng quá rõ.
Người dân chài sống giữa trời mây non nước, tách biệt với người trên bờ, nhất là khi trên bờ tao loạn. Luật pháp các triều đại chẳng ràng buộc được họ. Thể chế chính trị đổi thay rất ít ảnh hưởng tới họ. Họ chẳng biết cửa khổng sân đình, cũng chẳng biết đến chữ quốc ngữ. Chính vì vậy những lễ nghĩa từ thời Tây Chu cho đến những quy ước của Thọ Mai gia lễ, họ cũng không cần biết. Phong tục và tín ngưỡng của cộng đồng dân chài đậm chất dân gian nguyên thủy, có cả yếu tố phồn thực, sau đó mới là những ảnh hưởng của lễ tiết của cộng đồng cư dân trên bờ. Do đó họ không có tết Nguyên tiêu (rằm tháng giêng), tết Hàn thực (mồng ba tháng ba), tết Trung nguyên (rằm tháng bảy), tết Trung thu (rằm tháng tám), tết Trùng thập (mồng mười tháng mười)... Cũng có một ít ngư dân cúng tết Đoan ngọ (mồng năm tháng năm) và gần đây cũng có thuyền làm lễ cúng ông Công ông Táo (23 tháng chạp), nhưng không có tục thả cá chép cho hóa rồng đưa ông Táo lên chầu trời...
Tết với dân chài Hạ Long thiêng liêng nhất gần như chỉ duy nhất là Tết Nguyên đán (mồng một tháng giêng). Sau Tết này, người dân chài thường cúng, lễ vào ngày sóc, vọng hằng tháng (ngày 1 và ngày 15 âm lịch). Ngày 30 các tháng 3, 6, 9, 12, dân chài còn làm lễ mào, cũng gọi là lễ sông, cúng Hà Bá (thần sông biển) và chúa Thoải (tục thờ mẫu của dân vùng biển).
Ngày Tết Nguyên đán được dân chài chuẩn bị rất kỹ, ít nhất từ đầu tháng chạp. Trước hết là lo tích trữ lương thực, thực phẩm, dầu, muối, củi... Gạo nếp, gạo tẻ đong đầy thùng, cá sống trong khoang, hà sú hà cồn chất đống... Sau đó là lên chợ, lên phố mua sắm quần áo mới, cùng rượu thịt, bánh trái, hương vàng... Giáp Tết, giữa vụ cá bắc, cá theo đàn vào lộng, có tham đến mấy thì 28, 29 cũng quay về neo đậu cùng họ hàng. Đây là dịp người dân chài nghĩ nhiều nhất về tổ tiên, dòng họ. Chiều 30 Tết, mỗi gia đình làm 2 đến 4 chiếc thuyền bằng bẹ chuối. Thuyền không mui, trên cắm 6 lá cờ đuôi nheo bằng giấy xanh đỏ. Trong lòng thuyền trải một tờ giấy đỏ, đặt một nhúm gạo, một nhúm muối, cắm 3 nén nhang. Gia chủ thắp nhang trên bàn thờ gia tiên ở ngăn giữa trong thuyền rồi ra thắp hương trên cái mâm đặt ngoài sạp cúng trời đất, khấn xin Hà Bá - Thủy thần phù hộ, xin các thần sông thần biển độ trì cho an lành và phát lộc. Cuối cùng gia chủ thắp hương trên mấy con thuyền rồi đứng ở đằng lái thả xuống biển. Vàng mã ở mâm cúng được đốt đổ tro xuống biển, kết thúc năm cũ.
Sáng mồng 1, nếu chủ thuyền còn trẻ thì ngay chiều 30, đẩy thuyền đến thuyền cha mẹ hoặc thuyền trưởng họ, trưởng chi chúc Tết, có thể cùng ăn uống. Từ chiều mồng 1 đến những ngày sau, từng thuyền đi chúc Tết chú, bác, cô dì, cậu mợ, anh em họ hàng nội ngoại. Sau 3 ngày Tết, các thuyền thường cặp bờ lên lễ bái ở đền Cửa Ông, chùa Long Tiên, đền thờ Trần Quốc Nghiễn, đền Cái Lân v.v... Tùy từng họ hoặc từng chi chọn ngày tốt, thường là mồng 6 hoặc mồng 8 tết, làm lễ “ra binh” (xuất quân). Các thuyền làm lễ cúng Thần Sông rồi cùng chèo thuyền đi đánh cá ở nơi đã định trước. Thường là thả 3 mẻ lưới. Nếu được nhiều cá thì là điềm lành cho cả năm. Nếu được ít cá hoặc vướng cồn, rách lưới thì là điềm xấu phải làm lễ cầu cúng.
Cỗ Tết của dân chài ngoài thịt gà, thịt lợn, chủ yếu là cá. Các loài cá cúng phải là cá tươi ngon, không dùng cá màu đen, rửa sạch để nguyên con (không mổ) kẹp tre nướng chín hoặc để sống trong chậu đặt lên mâm cúng. Dân chài cũng thường gói bánh chưng, làm bánh rán, nấu xôi, còn các loại bánh khác như bánh dày, bánh gai, bánh gio... phải mua trên chợ.
Dân chài rất hiếu khách. Khách trên bờ đến thăm hỏi trong dịp Tết luôn được chân tình tiếp đãi. Nhân dịp Tết, dân chài cũng thường mang hải sản đến biếu các thầy học, thầy thuốc và những người quen thân trên bờ. Tuy nhiên, 3 ngày đầu năm, các thuyền thường kiêng người có tang, người có chửa lên thuyền. Ba ngày này họ cũng kiêng xin lửa, vay tiền, xin muối, nước mắm, vay gạo, xin nước, xin củi... Cha mẹ cũng luôn nhắc con cái nói năng lễ phép, tránh làm đổ vỡ bát đĩa... Mọi người chỉ nói với nhau những điều vui vẻ, tốt lành.
Nếu có dịp đến du lịch Hạ Long vào mùa lễ tết, thì du khách nhất định phải tìm hiểu thật kỹ những điều kiêng kỵ của người dân nơi đây để cho chuyến du lịch thực sự trọn vẹn, và đáng nhớ.